Hú hồn "taxi dù" Nam Phi

19/08/2013, 20:56
Cùng theo chân “Tỷ phú bóng đá” VietNamNet đến Nam Phi, nơi “tỷ phú” gõ cửa từng chiếc ôtô để đón taxi trong cái lạnh 5 độ C.

Gõ cửa từng chiếc xe

Đêm Johannesbug lạnh 5 độ C, anh Nguyễn Văn Xin, người trúng giải nhất cuộc thi “Tỷ phú bóng đá” của báo VietNamNet, chạy đi chạy lại, gõ cửa từng chiếc ôtô để tìm…taxi.

Taxi ở Nam Phi không có bảng hiệu, không có hộp đèn, cũng không có số điện thoại dán chi chít trên thân xe như ở Việt Nam.

“Taxi và xe bình thường chỉ khác nhau ở chỗ, taxi thì có một bộ đàm ở bên trong, nhưng cũng khó ai có thể nhìn thấy khi chiếc xe chỉ chạy lướt qua”- anh Xin kể.

Xuống sân bay lúc 5 giờ sáng, anh Xin cố tìm một chiếc taxi để về khách sạn. Anh phát hiện ra rằng, tìm một chiếc taxi ở Nam Phi lúc này như “mò kim đáy bể”, anh phải gõ cửa từng chiếc ôtô.

Câu hỏi “Are you a taxi driver?” (Bạn có phải là tài xế taxi không?) được anh lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần trong những ngày ở Nam Phi. Thế nhưng, những cái lắc đầu khiến anh thoáng hoang mang, thất vọng.
Sau nhiều lần kiên nhẫn, anh Xin gặp được chiếc taxi đầu tiên, nhưng không đồng ý đi vì giá quá cao. Sau ba lần kì kèo ngã giá, anh Xin mới được về khách sạn.

Tại đây tình hình cũng chẳng khá hơn. Mỗi lần muốn ra ngoài anh đều rất ngại. “Hoàn toàn không có chuyện lấy điện thoại ra và gọi taxi đến rước. Càng không có cảnh ra đứng bên lề đường rồi vẫy vẫy, gọi taxi như ở Việt Nam, tất cả đều phải gõ cửa để hỏi”- anh Xin nhớ lại.

Tại sân vận động Soccer City, khi trận đấu kết thúc, anh Xin ra về sớm hơn các cổ động viên khác, hi vọng dễ dàng hơn trong việc đón taxi. Nhưng mọi thứ lại tiếp tục như lúc ở sân bay. Trong cái lạnh dưới 5 độ C, miệng run cầm cập, anh lê từng bước chân, gõ cửa từng chiếc xe hơi đậu bên vệ đường.

Đến khi không thể tự tìm được taxi để trở về, anh nhờ tới cảnh sát thì nhận được cái lắc đầu “bó tay”.

1 giờ sáng, rét run người, lang thang mãi, hết ngồi rồi đứng, anh cũng bắt được chiếc taxi để về khách sạn thông qua một người bạn công tác trong ngành báo chí mà VietNamNet nhờ vả.

Trả giá taxi như giá xe đò

“Lội bộ đoạn đường hơn cây số để gõ cửa tìm taxi, thế nhưng, không phải cứ tìm được taxi là được về nhà. Phải ra sức mặc cả, như mặc cả giá xe khách, xe dù ở Việt Nam vậy”- anh Xin lắc đầu ngao ngán khi nói về việc giá taxi ở Nam Phi.

5 giờ sáng ngày 14/7, anh Xin đặt chân xuống đất nước Nam Phi, nơi nhiều “tín đồ” môn thể thao vua đang ngây ngất với những trận cầu. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, anh gọi taxi để về khách sạn.

“Người đi taxi phải mặc cả giá cước như đi xe ôm ở Việt Nam, nếu không cẩn thận, bạn có thể mất một khoảng “hớ” không nhỏ cho việc đi lại. Vì taxi ở Nam Phi không có đồng hồ tính cước”.
 

Gõ cửa chiếc taxi đầu tiên, anh tài xế da đen “hét” giá 800Rand (khoảng 1,8 triệu đồng) cho đoạn đường 40km từ sân bay về khách sạn. Bất ngờ trước mức giá “trên trời” này, anh Xin tìm đến chiếc taxi thứ hai, Lúc này, giá đã được hạ xuống còn 600 Rand.




Người đàn ông này đã nhận chở anh Xin với giá 600Rand. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tuy nhiên, xót đồng tiền “cơm gạo” ở Việt Nam, anh Xin tiếp tục gõ cửa chiếc taxi thứ ba. Lần này, anh phải ra sức mặc cả, cuối cùng tài xế đồng ý đưa anh đi với giá 400Rand. Anh thầm nghĩ: “Ở Việt Nam có bao giờ phải mặc cả đâu, không tiếc của chắc đã mất một khoản kha khá rồi”.

Rút kinh nghiệm, những lần phải gọi taxi sau đó, anh Xin đều hỏi giá cẩn thận, trả giá kỹ lưỡng.

Anh kể, sáng 14/7, anh gõ cửa một chiếc ôtô để tìm taxi. Đó là chiếc ôtô chuyên chở học sinh đến lớp. Anh tài xế tranh thủ lúc chờ học sinh, đưa anh đến sân vận động Soccer City, nơi diễn ra trận chung kết giữa Tây Ban Nha và Hà Lan, cách đó khoảng 4km với giá 10 Rand.

Thế nhưng, cũng với đoạn đường đó, anh phải mất 400 Rand cho tài xế taxi. Sau khi chứng kiến lễ trao giải, anh Xin lặn lội rời khán đài trước mọi người để tìm xe về nhà. “Khó khăn lắm mới gọi được xe, mừng lắm, thế mà phải trả gấp 40 lần tiền cước so với lúc đi”.

Cùng với vòng quay của trái bóng, trận chung kết này cũng là cơ hội cuối cùng cho những người “ăn theo” ở Nam Phi. “Taxi lại không có đồng hồ đo cước, tài xế muốn bao nhiêu tùy thích nên càng được thể để tăng giá, mình mặc cả gắt quá thì người ta không chạy, đành chịu vậy”- anh Xin ngao ngán kể.

Thuận Hải-Lê Thư (ghi theo lời kể nhân vật) - Nguồn: http://vietnamnet.vn